0987 866 398

Đầu tư vào đâu trong năm 2021?

Chứng khoán tiếp tục “bùng nổ”

Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ mà các quốc gia trên thế giới đang triển khai, cộng thêm những thông tin tích cực về vắc xin ngừa COVID-19. Bên cạnh các yếu tố trên, TTCK Việt Nam còn được hỗ trợ từ nhiều yếu tố tích cực khác.

Thứ nhất, nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhanh sau khi dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, kéo theo đó là doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tích cực.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức rất thấp và được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm trong năm 2021. Lãi suất giảm sẽ khiến một phần không nhỏ dòng tiền tiết kiệm của người dân chảy sang kênh chứng khoán.

Thứ ba, Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 với nhiều quy định mới như bán khống và giao dịch T+0… cũng sẽ tạo thêm một cú hích cho thị trường.

Thứ tư, FTSE Russell có thể nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thứ cấp trong năm 2021. Điều đó sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút thêm một lượng không nhỏ dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Trong một báo cáo mới đây, VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 7,1% và lạm phát được kiểm soát dưới mức 3%. “Với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index năm tới có thể đạt 1.120 – 1.160 điểm”, VNDIRECT nhận định.

Vàng tiếp tục tỏa sáng

Giá vàng thế giới đã bật tăng mạnh trong năm 2020 trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vì đại dịch COVID-19. Bệnh cạnh đó, dòng vốn rẻ từ các biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ mà Chính phủ và NHTW các nước triển khai càng hỗ trợ thêm cho đà tăng của giá vàng. Tính chung trong năm 2020, giá vàng đã tăng 22% và hiện đang xoay quanh ngưỡng 1.880 USD/oz. Còn tính từ mức đáy 1.045 USD/oz vào trung tuần tháng 3 đến gần trung tuần tháng 8/2020 đạt đỉnh 2.075 USD/oz, kim loại quý này đã tăng tới 45% trong một khoảng thời gian chưa đầy nửa năm.

Kim loại quý này được dự báo sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2021. Bởi mặc dù kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi trở lại khi văc xin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi, tuy nhiên các gói kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ sẽ tạo áp lực tăng lạm phát, góp phần làm tăng vai trò trú ẩn của vàng. Bên cạnh đó kim loại quý này còn nhận được sự hỗ trợ lớn từ sự suy yếu của đồng USD. Đó là chưa kể những bất ổn địa chính trị và căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung…

Bởi vậy, ngân hàng Wells Fargo dự báo, giá vàng có thể lên mức 2.100 – 2.200 USD/ounce trong năm 2021. Thậm chí Goldman Sachs còn dự báo giá vàng có thể lên tới 2.300 USD/oz trong năm tới. Giá vàng thế giới tăng sẽ kéo theo giá vàng trong nước.

Bất động sản sẽ hết “ngủ đông”

Thị trường bất động sản (BĐS) vừa trải qua một năm tồi tệ, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ và thu nhập của người dân sụt giảm. Đặc biệt, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng gần như đóng băng do lượng khách du lịch sụt giảm mạnh vì đại dịch.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, thị trường BĐS sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ hàng loạt chính sách mới trực tiếp hỗ trợ thị trường, nhất là các Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các Thông tư về phát triển các loại hình BĐS…

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, nếu các chỉ tiêu vĩ mô năm 2021 được đảm bảo, đặc biệt dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc nhất định, nhất là loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, có hạ tầng tốt, được khai thác vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh – thông minh.

Tuy nhiên, nếu các chỉ tiêu vĩ mô trên không được đảm bảo (dịch bệnh chưa thể kiểm soát), thị trường BĐS năm 2021 vẫn sẽ giữ được mức như năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường (phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) sẽ gặp nhiều trở ngại. Và nếu không có sự can thiệp của Chính phủ, cũng như sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp, thị trường BĐS có thể bị đóng băng.

Trái phiếu doanh nghiệp: Cơ hội sinh lời vẫn tốt

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng khá nhanh trong những tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm. Tính đến cuối tháng 9/2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13% GDP năm 2019 (tăng 2,15% so với mức 10,85% GDP của thời điểm cuối năm 2019), vượt mục tiêu đề ra trong năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 1/9/2020 với nhiều quy định siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành sụt giảm mạnh và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021 khi mà hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay do thừa vốn.

Mặc dù vậy với các nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp vẫn mang lại cơ hội sinh lời lớn hơn so với gửi tiết kiệm, nhất là nếu lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục giảm thêm như dự báo trong năm 2021.

Tiết kiệm bị chia sẻ dòng tiền

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm khá mạnh trong năm qua sau các động thái cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn của NHNN. Lãi suất tiết kiệm giảm được cho là một trong những nguyên nhân hỗ trợ các kênh đầu tư khác, nhất là cổ phiếu và trái phiếu.

Dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021. Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Ngân hàng vừa diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Lẽ đương nhiên, để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất huy động. Trên thực tế, lãi suất huy động tiết kiệm tại nhiều ngân hàng đã tiếp tục giảm ngay từ đầu tháng 12/2020. Theo đó, hiện lãi suất huy động cao nhất tại 4 ngân hàng thương mại có vốn quốc doanh lớn chỉ là 5,6%/năm, trong khi lãi suất huy động dưới 3 tháng chỉ là 3%/năm, thậm chí còn thấp hơn cả lạm phát.

Lãi suất giảm sẽ làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm và khiến dòng vốn có xu hướng chảy mạnh hơn vào các kênh đầu tư khác.

Không nên nắm giữ ngoại tệ

Nắm giữ USD đã không còn là lựa chọn của nhiều người dân từ mấy năm gần đây khi mà tỷ giá trong nước được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; trong khi lãi suất huy động USD vẫn neo ở mức 0%, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền đồng. Thậm chí trong năm 2020, những ai nắm giữ đồng bạc xanh còn bị thua lỗ do tỷ giá trong nước giảm nhẹ.

Nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước giảm chủ yếu do đồng USD trên thị trường thế giới cũng giảm giá mạnh trong năm qua (chỉ số đồng USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm 6,7% kể từ đầu năm 2020, hiện đang xoay quanh mức 90,15 điểm). Bên cạnh đó còn nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nước đồi dào khi cán cân thương mại thặng dư kỷ lục 19,1 tỷ USD trong năm qua, giải ngân vốn FDI cũng đạt 20 tỷ USD…

Chính những yếu tố này được dự báo sẽ tiếp tục giúp tỷ giá trong nước được duy trì ổn định, thậm chí giảm trong năm 2021.

Theo đó, đồng bạc xanh có thể tiếp tục giảm sâu trong năm 2021 do các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ của Mỹ, trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ phục hồi chậm trong năm tới. “Chúng tôi dự báo đồng USD sẽ mất giá thêm từ 5-10% trong năm 2021 do FED tạo điều kiện để nền kinh tế tăng nóng”, chuyên gia kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ING nhận định.

Trong khi nguồn cung ngoại tệ trong nước sẽ tiếp tục dồi dào nhờ cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết, mở đường cho hàng hóa xuất khẩu; dòng vốn FDI cũng sẽ phục hồi nhờ dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt và sự thúc đẩy của các FTAs, cộng thêm làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc… Ngoài ra, còn một yếu tố nữa đó là việc Việt Nam bị Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” cũng sẽ khiến NHNN thận trọng hơn trong việc mua vào ngoại tệ.

Cũng chính bởi vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, kênh đầu tư ít hấp dẫn nhất trong năm 2021 chính là ngoại tệ.

Chọn kênh đầu tư nào?

Mặc dù triển vọng của các kênh đầu tư năm 2021 được dự báo khá rõ, song việc lựa chọn kênh đầu tư nào còn tùy thuộc vào khả năng tài chính, mức độ hiểu biết và khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Bởi một nguyên tắc “bất di bất dịch” là lợi nhuận cao luôn song hành với rủi ro lớn.

Lấy ví dụ như vàng, kênh có thể sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2021, song dự báo vẫn chỉ là… dự báo. Thực tế cũng đã chứng minh những biến động thất thường của giá vàng đã không ít lần phá vỡ dự báo của giới chuyên môn. Bởi vậy, đầu tư vào vàng là vô cùng rủi ro và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư am hiểu về thị trường tài chính. Với thị trường vàng trong nước, rủi ro càng lớn hơn gấp bội khi mà hiện giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng. Hơn thế, có nhiều thời điểm giá vàng trong nước vẫn trượt dài cho dù giá vàng thế giới tăng.

Hay như kênh trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù mức độ sinh lợi là cao hơn hẳn so với kênh tiết kiệm, song bị đánh giá tiềm ẩn rủi ro. Các cơ quan quản lý cũng đã nhiều lần khuyến cáo các nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Thậm chí NHNN còn có xu hướng hạn chế các ngân hàng mua trái phiếu doah nghiệp.

Bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như đã nêu trên, thời gian gần đây còn nổi lên các sản phẩm tài chính phái sinh như tiền ảo, vàng tài khoản, forex … Các kênh đầu tư này là bất hợp pháp tại Việt Nam vì thế mức độ rủi ro cũng lớn hơn nhiều, bởi bên cạnh rủi ro về biến động giá, nguy cơ bị lừa đảo, các nhà đầu tư còn có thể phải đối mặt với rủi ro pháp lý.

 

Rate this post
.
.
.
.